Hướng dẫn Cách xử trí khi trẻ ho

Con tôi 2 tuổi, cháu bị ho nhiều do cảm lạnh, kèm theo sổ mũi và sốt nhẹ. Cháu vẫn ăn uống bình thường nhưng chưa có dấu hiệu dứt ho. Xin bác sĩ tư vấn cách phòng và chữa trị (Diệu Linh).




Trả lời:



Khi b ị viêm đường hô hấp trên, trẻ thường ho, sốt, viêm họng, bỏ bú, bỏ ăn… Chị cần có cách xử trí thích hợp để giúp trẻ mau khỏi bệnh cũng như bảo vệ sức khỏe. Nhiễm khuẩn hô hấp trên ở trẻ do nhiều nguyên nhân như virus, vi khuẩn, nấm, khói bụi... Trong đó, nguyên nhân do virus chiếm 70 - 80%. Do vậy, khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên, cách xử lý chủ yếu là điều trị triệu chứng và không nên dùng kháng sinh.












Mỗi năm, trẻ có thể mắc 8-10 đợt nhiễm virus, với các triệu chứng phổ biến là ho và cảm.

Mỗi năm, trẻ có thể mắc 8-10 đợt nhiễm virus, với các triệu chứng ho và cảm. Ảnh: Countynewscenter.




Mỗi năm, trẻ có thể mắc 8-10 đợt nhiễm virus, với các triệu chứng phổ biến là ho và cảm. Trường hợp bé ho do cảm lạnh kèm theo sổ mũi, không sốt hoặc sốt nhẹ nhưng vẫn ăn uống, chơi đùa bình thường và không nôn, cha mẹ có thể theo dõi bé tại nhà và bệnh sẽ tự khỏi sau 5-7 ngày. Dưới đây là các biện pháp điều trị triệu chứng cũng như phòng ngừa cho bé.



- Dùng các thuốc chữa ho, viêm họng có nguồn gốc dược liệu như húng chanh (tần dày lá), núc nác.... có tác dụng long đờm, giảm ho, kháng khuẩn, kháng viêm, kháng dị ứng và an toàn khi sử dụng cho trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.



- Khi trẻ bị sốt, cần theo dõi thân nhiệt bằng nhiệt kế 2 giờ mỗi lần. Cho trẻ mặc quần áo rộng và thoáng để cơ thể tỏa bớt nhiệt. Trẻ cần uống nhiều nước vì sốt làm trẻ dễ bị mất nước, cho trẻ nằm nghỉ nơi thoáng mát. Cha mẹ có thể dùng nước ấm lau các vùng trán, nách và bẹn cho trẻ. Thuốc hạ sốt có thể áp dụng cho trẻ khi sốt cao trên 38,5 độ C.



- Vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý natri clorid 0,9%.



- Rửa tay thường xuyên cho trẻ bằng xà phòng, bởi thống kê cho thấy, khoảng 80% các loại bệnh nhiễm trùng lây qua đường tiếp xúc.



- Tăng cường sức đề kháng bằng cách cho trẻ uống nước trái cây hoặc ăn trái cây tươi hoặc uống vitamin C.



- Cho trẻ ngủ đủ giấc vì khi thiếu ngủ, hệ miễn dịch của bé trở nên chậm chạp và khó chống lại các tác nhân gây bệnh. Thực tế cho thấy, khoảng một phần ba trẻ em hiện nay không ngủ đủ lượng thời gian cần thiết. Trẻ sơ sinh cần ngủ khoảng 16-18 giờ, mẫu giáo cần ngủ khoảng 11-14 giờ và tiểu học cần ngủ khoảng 10-11 giờ mỗi ngày.



- Giữ nhà cửa sạch sẽ để tránh lây nhiễm, bởi virus có thể sống được tới 2 giờ trên các vật dụng như ly, chén, khăn, bàn, điều khiển ti vi… Ngoài ra, cha mẹ cũng nên hướng dẫn bé cách xì mũi, che miệng khi ho.



- Giữ ấm cho bé trong mùa lạnh.



- Khi trẻ bị bệnh, cha mẹ cần lưu ý chế độ dinh dưỡng cho con. Trẻ nên ăn những món dễ tiêu hóa (cháo, súp...), thực phẩm giàu sinh tố A, kẽm, sắt… để tăng sức đề kháng. Hạn chế thức ăn có nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán, thực phẩm lạnh… Trước khi cho trẻ ăn, nên cho trẻ uống vài thìa nước, chia nhỏ bữa ăn và cho trẻ ăn nhiều lần trong ngày.



- Đưa trẻ đi đến cơ sở y tế nếu ho kéo dài trong một tuần hoặc lâu hơn mà không có dấu hiệu thuyên giảm; ho đột ngột kèm co thắt, khò khè, hoặc thở rít, tím tái; ho kèm nôn hoặc sốt cao trên 39 độ C; ho kèm theo tiết đờm nhớt nhiều, ho ra máu.



Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh



Chuyên gia của Công ty cổ phần Dược Phẩm OPC




Nguồn: sưu tầm


Nhận xét

Bài đăng phổ biến