Thực phẩm bẩn và độc hại: Chỉ vì thiếu và yếu

  >> Thực phẩm bẩn và độc hại: Cái chết được báo trước (Kỳ 2)  

  >> Thực phẩm bẩn và độc hại: Cái chết được báo trước (Kỳ 1)  

 Vì lợi nhuận nên bất chấp 

Có thể không khó giải thích lắm từ phía những người kinh doanh hay cung cấp thực phẩm bẩn ấy chính là sự… trục lợi hay nói cách khác là kiếm tiền trên sự sống - chết của người khác. Bởi nói đơn giản như rau ngót chẳng hạn, loại rau trong đợt kiểm tra gần đây nhất của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có tới 80% nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, trong đó gần 30% dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá giới hạn cho phép rất nhiều. Nếu như trồng đúng quy trình và bảo đảm an toàn thực phẩm thì phải hơn 20 ngày sau tính từ khi bắt đầu trồng, rau ngót mới thu hoạch được và mang phân phối cho người tiêu dùng.

 Ba ngành quản lý 1 chiếc bánh trung thu 

Tuy nhiên, trồng như vậy, “hầu bao” của người nông dân lâu đầy hơn so với cách trồng theo kiểu “đi ngang về tắt”, “đốt cháy giai đoạn” là cứ phun đẫm thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích cho rau ngót để không những rau đẹp mắt mà chỉ cần 10 ngày là thu hoạch được, nhanh hơn hẳn so với quy trình “chuẩn” nửa thời gian. Như vậy, vô hình trung, lợi nhuận của người nông dân tăng gấp đôi, trong khi thời gian trồng trọt giảm một nửa.

Tương tự, thịt lợn cũng vậy, đối với loại đã mổ, pha sẵn loại nào ra loại nấy, nếu không bán được để đến ngày hôm sau chỉ có “nước” đổ đi chứ không thể bán cho ai. Cho nên để giải quyết “rủi ro” này cũng như bảo toàn được cả nguồn vốn lẫn lãi, người kinh doanh phải dùng đến “tuyệt chiêu” là ngâm thịt vào hóa chất của Trung Quốc để vừa chống thối vừa đẹp mắt do vẫn giữ được màu tươi đỏ của thịt. Còn người sử dụng chẳng may mua phải loại thịt “tắm độc” này thì đã có câu “thân ai người ấy lo”, làm sao người bán thịt lo cả cho người tiêu dùng!?

Nuôi lợn thịt cũng thế, lợi nhuận khiến người ta mê chăn nuôi “siêu tốc”, xuất chuồng nhanh, đỡ vất. Chẳng “có gì quý hơn bản thân mình” thấm nhuần “chân lý” đó, người chăn nuôi lựa chọn phương thức thứ 2 để “hạ gục nhanh tiêu diệt gọn” túi tiền của người tiêu dùng. Còn trong trường hợp cũng phải ăn thịt lợn thì họ tự nuôi lấy, chẳng phải đi chợ để rồi có khi gặp cảnh trớ trêu mua đúng thịt lợn “độc” của mình bán ra.

Nói chung, “không có gì quý hơn… tiền” đối với những người kinh doanh thực phẩm bẩn.

 Chiếc bánh… 3 Bộ  

Cùng với “đạo đức” của người kinh doanh thực phẩm bẩn thì phải nói chính khâu quản lý còn đầy bất cập của các cơ quan chức năng mà cụ thể ở đây là Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đã khiến cho vấn đề an toàn thực phẩm trở nên bức xúc hơn bao giờ hết.

Hiện nay, công tác quản lý an toàn thực phẩm được phân chia thành 3 bộ phận: Bộ NN&PTNT sẽ quản lý giai đoạn xuyên suốt từ sản xuất đến nơi tiêu thụ đối với thực phẩm tươi sống sản xuất trong nước và thực phẩm tươi sống nhập khẩu. Các thực phẩm khác thì chỉ quản lý ở khâu sản xuất thực phẩm ban đầu và sơ chế thực phẩm. Bộ Y tế quản lý thực phẩm nhập khẩu nhưng trừ thực phẩm tươi sống (do Bộ NN&PTNT đã quản lý); cơ sở chế biến thực phẩm, kinh doanh thực phẩm. Còn Bộ Công Thương sẽ phối hợp với hai Bộ trên để thanh tra, kiểm tra thực phẩm lưu thông trên thị trường, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng…

Nói đơn giản hơn: Bộ NN&PTNT quản lý thực phẩm từ ngoài cổng vào đến chợ. Bộ Y tế quản lý thực phẩm ở mâm cơm… Khâu ở giữa là của Bộ Công Thương. Với “cơ chế” quản lý như vậy, thực sự, mới nghe đã thấy rắc rối huống hồ khi thực hiện, chắc chắn sẽ gặp phải sự chồng chéo, bất cập giữa các cơ quan với nhau. Và thực tế, đã xảy ra như mùa bánh Trung hiện tại, chỉ một chiếc bánh nướng hoặc dẻo, phải chịu sự quản lý của 3 Bộ: Bộ NN&PTNT phụ trách ruột bánh, Bộ Công thương phụ trách vỏ bánh, còn Bộ Y tế quản lý chất lượng bánh nói chung. Cho nên các cơ sở sản xuất bánh Trung thu vừa rồi phải đón tới 3 đoàn kiểm tra độc lập của 3 Bộ và đương nhiên, mỗi đoàn chỉ kiểm tra đúng phần bánh mà mình quản lý!?

Sự việc trên cũng dẫn đến vấn đề như ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã thừa nhận với báo giới: Cùng một sản phẩm 3 bộ kiểm tra đã là chồng chéo nhưng còn bất cập ở chỗ: với trách nhiệm quản lý thực phẩm “trên mâm cơm” như của Bộ Y tế chẳng hạn, tức là đã thành thành phẩm và đến tay người tiêu dùng, kiểm tra lúc đó, nếu thực phẩm an toàn thì khỏi cần bàn đến. Nhưng nếu trong trường hợp không bảo đảm chất lượng vệ sinh thì Bộ Y tế chỉ thu được mẫu thực phẩm. Còn toàn bộ thực phẩm nhiễm bẩn đã bán ngoài chợ thì không ai thu được. Mà thực phẩm trong giai đoạn ở chợ lại không thuộc quản lý của Bộ Y tế. Cho nên công tác quản lý như vậy là không hiệu quả.

Nói thế để thấy việc phân chia quản lý cho các cơ quan hữu trách hiện nay, tưởng là rạch ròi, “mỗi người một việc” song thực tế lại thiếu khoa học, bất hợp lý, làm cho ngành này “giẫm chân” lên ngành kia, công tác quản lý khó khăn, thậm chí gây phiền hà, khó khăn cho cả người sản xuất vì phải tiếp quá nhiều đoàn kiểm tra, trong khi họ chỉ sản xuất ra 1 sản phẩm. Chưa nói đến, tâm lý “việc ai người nấy làm” của mỗi cơ quan chức năng. Ngay điều này, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm mà Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm trưởng ban cũng thừa nhận tại Hội nghị giao ban trực tuyến với 63 địa phương rằng: “Sự phối hợp của các Bộ, ngành về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thực sự chưa chặt chẽ”.

Không chỉ “cơ chế”, đường lối quản lý mà ngay cả Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2011 cũng có nhiều vấn đề phải bàn. Thứ nhất, sự chậm trễ trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện để rồi luật có thể đi vào cuộc sống một cách hiệu quả. Thứ hai, đặc biệt quan trọng là chế tài xử phạt, xem ra vẫn còn nhẹ so với hậu quả mà thực phẩm bẩn gây ra. Đơn cử như “vụ”: bún nhiễm độc, chế tài xử phạt chỉ vài triệu đồng đối với những người sản xuất, kinh doanh loại hàng này. Vậy thì không đủ sức răn đe đối với người kinh doanh thực phẩm bẩn. Bởi khoản tiền đó chỉ bằng “móng tay” so với thu nhập của họ. Ngay cả khi ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề xuất mức phạt 7 triệu đồng nhiều ý kiến cho rằng, cũng chưa thỏa đáng mà phải hơn nữa, thậm chí phải khép vào tội hình sự. Bởi thực tế thực phẩm bẩn đang là “thủ phạm giết người không dao”.

Bên cạnh Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, công tác thanh tra, kiểm tra cũng là nguyên nhân khiến cho công tác quản lý của các cơ quan hữu trách kém hiệu quả đồng thời làm cho thực phẩm bẩn vẫn tràn lan trên thị trường. Ví dụ như lực lượng thanh tra chuyên ngành, trên toàn quốc chỉ có 300 người, quá mỏng so với địa bàn hoạt động. Trong khi, lực lượng này ở nước bạn như Thái Lan, chỉ riêng thủ đô Băng - cốc đã có 600 người. Còn Nhật Bản có tới 12.000 người trong lực lượng thanh tra, kiểm tra thực phẩm, gấp 40 lần Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy rõ vì sao công tác quản lý an toàn thực phẩm bẩn của nước ta vì sao chưa đạt hiệu quả, vì sao người dân vẫn phải dùng thực phẩm bẩn, vì sao thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường trước những vấn đề nêu trên đây. Và câu hỏi đặt ra là bao giờ thực phẩm bẩn sẽ kết thúc, không có mặt trên thị trường? Dường như đây là câu hỏi chưa có câu trả lời không chỉ thời gian hiện tại mà cả trong tương lai. Bởi các cơ quan chức năng còn đang rắc rối trong chính bùng nhùng của công tác quản lý mà đến nay họ chưa biết giải quyết thế nào. Thế nên, dự cảm rằng, người tiêu dùng tiếp tục… chịu trận!

 Nguyễn Bách 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến