Bún sạch cũng lo

  

 Một điểm bán bún chả cá. 

 Ngày 3 bữa cơm nhà 

Bà Nguyễn Thị Ba (55 tuổi, trú tại chung cư Vũng Thùng, Q. Sơn Trà) tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi thường có thói quen ra ngoài ăn sáng để chủ động cho việc tới công sở của từng người. Những món ăn sáng thông thường như bún, mì, bánh cuốn... Hầu như ngày nào cũng có người sử dụng. Thế nhưng từ khi nghe thông tin bún ở TPHCM bị trộn chất tẩy trắng, có khả năng gây bệnh ung thư, cả gia đình lo lắng cho sức khỏe nên hàng ngày đều “chia lịch” để một người dậy sớm nấu đồ ăn sáng. Hôm thì nấu cháo, hôm thì nấu cơm, dù mất thời gian một chút nhưng an toàn cho sức khỏe. Tình hình này cứ ngày ba bữa cơm nhà là chắc nhất !". Còn những sinh viên như Nguyễn Minh Hồng (ĐH Kinh tế) lại chuyển hướng ẩm thực sáng theo cách rất sinh viên: “Tụi em giờ chuyển qua ăn mì. Lúc thì mì ổ, lúc lại mì gói...”.

Qua phương tiện thông tin đại chúng, “hiệu ứng” bún có chứa chất độc hại đã lan truyền đến tất cả mọi người. Mặc dù không ở cùng địa phương nhưng những thông tin đó đã ảnh hưởng và thay đổi thói quen sử dụng loại thực phẩm này đối với người tiêu dùng.

 Ủ gạo 3 ngày bún mới ngon là khẳng định của chị Phương, chủ lò bún ở 133 - Ngô Trí Hòa.  

 Tiểu thương thấp thỏm 

Kiệt 122 - Trần Kế Xương (Q. Hải Châu) vẫn được xem là nơi kinh doanh bún mắm đắt nhất trên địa bàn thành phố nhưng vào những ngày này thực khách cũng có vẻ thưa thớt. Có mặt tại đây lúc 17 giờ, một số tiểu thương vẫn “hai tay chống cằm” vì... Ế. Bà chủ quán bún Tâm bộc bạch: “Trước đây, người ăn bún thường đến rất đông vào tầm từ 3-6 giờ chiều, nhưng dạo này, khách giảm đi nhiều, kinh doanh cũng ế ẩm hơn”. Bà chủ quán này cho biết thêm: “Tiền thuê mặt bằng cũng tốn kém, kinh doanh không tốt, chi phí đội lên thì dễ lỗ nặng, chúng tôi cũng lo lắng nhưng chỉ biết dựa vào công bố kết quả xét nghiệm của ngành chức năng cho rõ ràng rồi mới quyết định có buôn bán nữa hay không”.

Thâm nhập lò bún tại số 133 - Ngô Trí Hòa (P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà), phóng viên được tận mắt chứng kiến cơ sở sản xuất và quy trình làm bún của gia chủ. Trước khi bún được làm ra phải được ngâm ủ 3 ngày, sau đó xay bột và hấp rồi mới làm ra bún. Nhưng nếu làm bằng máy, gạo có thể chỉ cần ngâm khoảng 48 tiếng. Để có bún ngon, bảo quản được lâu hơn thì phương pháp làm bún bằng tay là hiệu quả hơn, đòi hỏi thời gian ủ gạo phải tăng thêm 1 ngày. Dù hoàn toàn không sử dụng các loại hóa chất độc hại nhưng việc bán buôn vẫn gặp khó khăn. Bà chủ lò bún tên Phương ngán ngẩm: “Hàng ngày, lò bún bán lẻ ra thị trường khoảng 150kg, với giá 8 đến 10 ngàn đồng/kg bún, mì nhưng từ khi có thông tin bún dùng hóa chất tại TPHCM thì chỉ bán dưới 100 kg/ngày”. Bà Phương cũng khẳng định với khách hàng khi họ ghé vào mua: “Bún ở đây là bún sạch, tự gia đình tui làm chứ không phải lấy lại của người ta nên tui biết rõ chất lượng, nếu không tin thì khách có thể lấy mẫu mang đi xét nghiệm...”.

 Một điểm bán bún, mì tươi.  

 Cơ quan chức năng nói gì? 

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP, năm 2012 Chi cục đã tiến hành lấy các mẫu bún, mì làm xét nghiệm. Trên cơ sở đó cho kết quả 100% mẫu đạt chất lượng và chỉ tiêu vi sinh vật đều trong mức độ cho phép. Đến nay, toàn thành phố có 277 cơ sở sản xuất. Trước thông tin bún và các thực phẩm cùng loại bị dùng chất tẩy trắng, ngành chức năng đã tiến hành lấy 84 mẫu bún, bánh canh, phở trên địa bàn thành phố, qua kiểm tra đều cho kết quả đạt chỉ tiêu chất lượng, không sử dụng hóa chất độc hại, hóa chất cấm dùng trong thực phẩm. Cụ thể các chất như: Tinopal CBS-X, Acid Oxalic, Sulfit (chất tẩy trắng), hàn the (chất bảo quản) Natri benzoate và Formol (chất bảo quản) đều âm tính.

Qua công tác kiểm tra, tại Đà Nẵng chưa phát hiện mẫu bún, mì chứa các chất độc hại song Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần tránh sử dụng các loại bún, mì có màu sắc sáng, trắng bất thường. Nên sử dụng loại bún có hương vị của gạo được ngâm ủ, màu hơi đục, sợi bún ăn vào không quá dai.

  Hà Giang  


Nhận xét

Bài đăng phổ biến